Thứ Sáu, 8 tháng 6, 2018

Chế độ ăn uống cho bệnh nhân suy thận

Trong quá trình điều trị, những bệnh nhân suy thận cần xây dựng chế độ ăn uống khoa học và hợp lý để ngăn chặn những biến chứng nguy hiểm của căn bệnh này.

Tầm quan trọng của chế độ ăn uống đối với bệnh nhân suy thận

Không chỉ riêng với bệnh nhân suy thận mà với nhiều bệnh lý khác hiện nay chế độ ăn uống có ảnh hưởng rất lớn đến quá trình hình thành, phát triển và điều trị bệnh.
Chế độ ăn uống thiếu khoa học chính là một trong những nguyên nhân dẫn đến bệnh lý về thận từ đó góp phần hình thành nên bệnh suy thận. Do đó những bệnh nhân suy thận đang trong quá trình điều trị bệnh cần thực hiện chế độ ăn uống sinh hoạt, khoa học để:

Làm chậm quá trình tiến triển của bệnh suy thận
Hỗ trợ quá trình điều trị bệnh đạt kết quả cao
Ngăn chặn những biến chứng có thể xảy ra
Điều chỉnh những rối loạn chuyển hóa trong cơ thể bệnh nhân suy thận

Những nguyên tắc trong chế độ ăn của người bệnh suy thận

Dù mắc suy thận ở bất cứ giai đoạn nào, bệnh nhân suy thận cũng cần nghiêm túc xây dựng chế độ dinh dưỡng khe theo đúng chỉ định của y bác sĩ vì nó quyết định trực tiếp đến sự tiến triển của bệnh cũng như những ảnh hưởng thứ phát do suy thận gây ra.



Dưới đây là 5 nguyên tắc trong chế độ ăn mà người bệnh cần nắm rõ:

1. Giảm lượng muối

Ăn mặn trong thời gian dài chính là nguyên nhân gây ra một số bệnh lý ở thận. Đối với bệnh nhân suy thận, điều đầu tiên cần nhớ trong nguyên tắc dinh dưỡng chính là tập ăn nhạt.



Trung bình người bệnh chỉ nên sử dụng từ 4-6g muối/ngày - tương đương ¼ muỗng cafe) để kiểm soát, ổn định huyết áp, đồng thời giảm thiểu và  ngăn chặn việc tích lũy nước dẫn đến phù, sưng tấy.

2. Giảm Kali 

Đối với bệnh nhân suy thận nếu không kiểm soát được lượng Kali đưa vào cơ thể sẽ dễ xảy ra tình trạng kali máu tăng cao, có thể dẫn đến tử vong do loạn nhịp tim. Nếu lượng Kali máu > 5mmol/Lít, người bệnh cần có chế độ ăn giảm Kali để làm chậm sự tích tụ của chất thải trong máu.

Kali có nhiều trong những loại thực phẩm như: Đậu nành, cá ngừ, đậu xanh, cá thu, rau dền đỏ, rau ngót, chuối, khoai sọ, na, đu đủ,...

3. Giảm Phospho 

Bệnh nhân suy thận nếu ăn nhiều đồ ăn có hàm lượng phospho cao sẽ làm tăng lượng phospho trong máu. Khi lượng phospho tăng cao sẽ khiến xương mất canxi từ đó gây ra bệnh loãng xương.
Các thức ăn chứa nhiều phospho có thể kể đến như: Các loại đậu, ngũ cốc nguyên hạt, coca cola, bia…

4. Kiểm soát Protein 

Những bệnh nhân suy thận mạn nếu chưa lọc máu thì cần phải giảm Protein trong chế độ ăn để hạn chế tình trạng Ure máu tăng. Chỉ nên duy trì lượng đạm khoảng 0,6-0,8g/kg tùy theo sự tư vấn của chuyên gia dinh dưỡng và thể trạng của người bệnh.



Ngược lại, đối với những bệnh nhân suy thận mạn đang điều trị lọc máu chu kỳ hoặc lọc màng bụng, thì trong chế độ ăn cần tăng cường Protein để bù đắp lượng Protein bị mất đi sau mỗi lần lọc máu.

5. Kiểm soát lượng nước 

Nếu bình thường mọi người được khuyến cáo nên uống đủ nước từ 1.5 lít - 2 lít nước mỗi ngày thì với bệnh nhân suy thận lượng nước đưa vào cơ thể cần được kiểm soát. Nếu uống nhiều nước, lượng nước dư thừa trong cơ thể sẽ làm tăng áp lực cho thận, gây ra các chứng như phù phổi cấp, khó thở, phù nề, tràn dịch các khoang màng bụng, màng ngoài tim...

Người bệnh có thể kiểm soát lượng nước đối mỗi ngày bằng cách đo lượng nước tiểu cả ngày hôm trước cộng thêm khoảng 200-500 ml gồm cả nước từ đồ ăn và đồ uống.

Ngoài 5 nguyên tắc trên, muốn cung cấp đủ năng lượng cho cơ thể đồng thời góp phần ngăn chặn sự phát triển của bệnh, những bệnh nhân suy thận  cần bổ sung đầy đủ nhóm dưỡng chất như: Đạm, bột đường, chất béo (thực vật), vitamin và các yếu tố vi lượng như:  Sắt, axit folic, vitamin B6, B12….

Dưới đây là nhu cầu dinh dưỡng để người bệnh suy thận tham khảo:

Năng lượng: 35 – 45kcal/kg/ngày
Chất béo: < 30% tổng năng lượng trong chế độ ăn
Đạm: 0,8/kg cân nặng lý tưởng, bên cạnh đó còn phụ thuộc vào mức độ nặng hay nhẹ của bệnh.
Canxi: 900 – 1200mg/ ngày
Natri: 1000 – 2000mg/ngày
Carbohydrate: 55 – 60% tổng năng lượng khẩu phần ăn
Phot pho: 300 – 600mg/ ngày
Kali: 2000 – 3000mg/ngày, nếu người bệnh xuất hiện phù, tiểu ít khi có tăng kali máu thì lượng Kali nên hạn chế < 1000mg

Trên đây là những lưu ý vô cùng quan trọng trong chế độ ăn của bệnh nhân suy thận. Hãy tuân theo những nguyên tắc trên và lựa chọn phương pháp chữa bệnh phù hợp để ngăn chặn,  đẩy lùi căn bệnh này nhé!

0 nhận xét:

Đăng nhận xét